Giới thiệu chương trình giáo dục

Tiêu chuẩn Giáo dục Mầm non bang Pennsylvania

Trẻ em được sinh ra với khả năng và khát vọng học tập đáng kinh ngạc. Nghiên cứu hơn 40 năm đã khẳng định tầm quan trọng của giáo dục sớm và việc chăm lo cho sự thành công của trẻ về mặt học thuật cũng như trong đời sống. Điều thiết yếu là các trải nghiệm đầu đời của trẻ phải là những trải nghiệm mạnh mẽ gắn liền với các hoạt động phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, sự hiểu biết sâu sắc về bản thân mình trong mối tương quan xã hội. Những trải nghiệm này cần có nội dung phù hợp với lứa tuổi.

Việc thực hành giảng dạy phải gắn liền với các lĩnh vực phát triển – nhận thức, xã hội – cảm xúc, ngôn ngữ và thể chất với phương pháp học tập khám phá, thử thách bản thân bằng những trải nghiệm vượt trội thông qua đó hình thành kiến thức và kỹ năng của bản thân. Phụ huynh và giáo viên – những người tương tác với trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các thông tin và trải nghiệm bổ ích. Những trải nghiệm đó sẽ hình thành kỹ năng và sự hiểu biết trong các hoạt động thường ngày trong khuôn khổ các hoạt động chơi có chủ ý nhằm thu hút sự quan tâm và khơi gợi tính tò mò của trẻ.

Hệ thống Căn chỉnh Tiêu chuẩn (SAS)

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Văn phòng Phát triển Trẻ em và Học tập Sớm sử dụng Hệ thống Căn chỉnh Tiêu chuẩn (SAS). Hệ thống Căn chỉnh Tiêu chuẩn là một tổ hợp nghiên cứu xác định sáu yếu tố, khi được sử dụng cùng nhau, sẽ cung cấp một khuôn khổ để cải thiện chương trình và giúp trẻ thành công. Các yếu tố được xác định là tiêu chuẩn, đánh giá, khung chương trình giảng dạy, hướng dẫn (bao gồm cả các biện pháp can thiệp), trường học an toàn và hỗ trợ, tài liệu và học liệu.

Tiêu chuẩn giáo dục mầm non

Trong khuôn khổ Bộ tiêu chuẩn giáo dục mầm non bang Pennsylvania, các Lĩnh vực Học tập Chính định ra các vùng học tập của trẻ để đảm bảo một phương pháp tiếp cận toàn diện. Trẻ em ở mọi lứa tuổi và năng lực nên được tiếp cận với các trải nghiệm nhằm xây dựng và phát triển kỹ năng trong học tập, cảm xúc xã hội, kỹ năng ngôn ngữ, tư duy sáng tạo, nhận thức về toán học, khoa học và nghiên cứu xã hội. Các tiêu chuẩn trong mỗi lĩnh vực học tập cung cấp thông tin trẻ nên biết và kỹ năng trẻ nên có cho mỗi độ tuổi. Tiêu chuẩn giáo dục mầm non bang Pennsylvania được phát huy thông qua việc học tập liên tục và các tiêu chuẩn này kết nối tới tiêu chuẩn học tập lớp 3.

Giới thiệu về 9 lĩnh vực học tập

  1. Học tập thông qua hoạt động vui chơi (play-based learning)

    Cung cấp cho trẻ những trải nghiệm, thực hành học tập tích cực bao gồm các hoạt động vui chơi là cách tốt nhất để hỗ trợ cho việc học của trẻ trong những năm đầu đời. Quá trình chơi giúp cho trẻ kết hợp kiến ​​thức đã học với thông tin mới để thu nhận được hiểu biết mới và đồng thời phát triển kỹ năng. Một đứa trẻ phát hiện ra đặc tính của quả táo thông qua thao tác, tìm hiểu và khám phá sẽ có kiến thức sâu hơn về quả táo so với một đứa trẻ chỉ tô màu bức tranh quả táo. Trong trò chơi xếp hình, trẻ có thể hợp tác cùng với nhau để xác định có thể xếp bao nhiêu khối đồ chơi chồng lên nhau mà không bị đổ. Cách học mà chơi này giúp trẻ tăng cường tư duy xã hội và tư duy sáng tạo. Các chuỗi hoạt động trò chơi trong các lĩnh vực học tập có thể xây dựng nhằm phát triển các kỹ năng xã hội, nhận thức và vận động, chúng được chính các giáo viên trực tiếp dạy trẻ đưa vào kế hoạch và trực tiếp giảng dạy, sử dụng các câu hỏi mở để phát triển tư duy và cách giải quyết vấn đề phù hợp với khả năng của trẻ.

Các chủ đề lớn trong Lĩnh vực học tập qua trò chơi:

Xây dựng và tập hợp hiểu biết
Tổ chức và tiếp thu thông tin
Áp dụng những hiểu biết đó
Học thông qua trải nghiệm.

  1. Phát triển ngôn ngữ (Kỹ năng ngôn ngữ – Tiếng Anh)

    Có rất nhiều phương thức giao tiếp khác nhau, đó chính là cách chia sẻ ý tưởng của mình và hiểu ý tưởng của người khác. Việc đọc bao gồm việc sử dụng hình ảnh, biểu tượng và văn bản để chắt lọc thông tin và hiểu ý nghĩa của chúng. Viết cũng được sử dụng với nhiều hình thức khác nhau. Do đó trẻ cần đọc nhiều chủng loại sách để có tiếp nhận thông tin mới cũng như bổ sung thêm kiến thức cho cá nhân mình. Trẻ sử dụng nhiều phương thức để hiểu, giải thích, đánh giá và cảm nhận văn bản. Trẻ hiểu được ý nghĩa của chúng qua những nền tảng kiến thức và trải nghiệm trẻ đã lĩnh hội, qua tương tác với người khác, qua nhận ​​thức ý nghĩa của từ vựng và chiến lược nhận dạng từ của trẻ. Trẻ sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết đa dạng để giao tiếp hiệu quả với người khác. Một trong những nền tảng đầu tiên của việc đọc là nhận thức về phiên âm; đây là một trong yếu tố quan trọng để đạt thành tích tốt trong việc đọc. Trẻ nên phát huy nhận thức này trong những năm đầu đời qua việc nghe các vần điệu,các câu chuyện và bài hát và tham gia vào các hoạt động trò chơi với từ. Các chủ đề chính trong Lĩnh vực học tập Phát triển ngôn ngữ và trí tuệ:

Các kỹ năng cơ bản: Nghe, nói đọc viết
Đọc hiểu

  1. Tư duy Toán học và Biểu đạt: Khám phá, xử lý, và giải quyết vấn đề

    Toán học là một yếu tố quan trọng của giáo dục STEM (Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật và Math – Toán). Để hiểu đầy đủ được khái niệm toán học, trẻ phải có khả năng kết nối các khái niệm toán học với các tình huống thực tế và các quy luật. Kỹ năng toán học của trẻ được phát triển và dựa trên kinh nghiệm của trẻ với môi trường xung quanh, qua tiếp xúc với người lớn, với những trẻ khác, và qua quan sát hàng ngày. Trong suốt những năm đầu đời, trẻ quan sát và khám phá các phương diện toán học trong thế giới theo cách riêng của chúng. Trẻ so sánh về số lượng, tìm những quy luật về chuỗi lặp đi lặp lại, tìm cách giải quyết vấn đề, giao tiếp và đối mặt với các vấn đề thực sự ví dụ như làm thế nào để cân bằng các khối trong xây dựng hoặc tạo góc nghiêng một đoạn dốc để quả bóng có thể lăn xuống. Toán học đóng vai trò quan trọng trong thế giới của trẻ, nó giúp trẻ xây dựng nền tảng vững chắc cho các bước thành công trong tương lai. Tư duy toán học đóng vai trò quan trọng và là nền tảng đi đến với thành công trong việc học các môn khác. Tất cả các trẻ đều có khả năng phát triển mạnh mẽ kiến thức về toán học trong những năm đầu đời. Các chủ đề trong Lĩnh vực tư duy Toán học và Biểu đạt:

Số học và Phép toán
Khái niệm đại số
Khái niệm hình học.
Đo lường, dữ liệu và xác suất

  1. Tư duy Khoa học và Công nghệ

    Trẻ được sinh ra với đặc tính tò mò tự nhiên và khả năng toán học, khoa học bẩm sinh để giải thích và phản ứng với thế giới. Trẻ tìm hiểu các khái niệm về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) thông qua các hoạt động chơi. Trẻ tự khám phá, làm thí nghiệm, phát minh, thiết kế và thử nghiệm các giải pháp, qua đó hình thành ý tưởng về cách thức vận hành của thế giới xung quanh. Công nghệ, kỹ thuật và toán học là ứng dụng của khoa học cho thiết kế, sáng tạo và xây dựng các công trình. Trẻ là những người được trao những cơ hội để tiến hành các thí nghiệm, thu thập dữ liệu và đưa ra kết luận. Qua đó trẻ phát triển các kỹ năng hỗ trợ khám phá về thế giới tự nhiên và thắc mắc về khoa học. Các chủ đề trong lĩnh vực Tư duy Khoa học và Công nghệ

Sinh học – Sinh vật – vô sinh vật, Di truyền và Tiến hóa.
Khoa học vật lý – Hóa học, Vật lý.
Khoa học vũ trụ và trái đất – Chu kì, quá trình và cấu trúc Trái đất; Nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ
Môi trường và Hệ sinh thái – Sinh thái, Lưu vực và đầm lầy, Tài nguyên thiên nhiên, Nông nghiệp và Xã hội, Môi trường và Con người.
Máy tính và Công nghệ thông tin

  1. Tư duy xã hội học

    Nền tảng của nghiên cứu xã hội, kinh tế, lịch sử chính trị bắt nguồn từ những hiểu biết và trải nghiệm ban đầu của trẻ trong mối quan hệ với gia đình, người thân và trường học. Dần dần các em sẽ mở rộng mối quan hệ ra ngoài xã hội và cộng đồng. Người lớn cần giúp các em phát triển kỹ năng xã hội bằng cách tạo điều kiện cho các em tích cực tham gia vào hoạt động khám phá để hoàn thiện kiến thức và sự hiểu biết của mình.

Các chủ đề học trong lĩnh vực Tư duy xã hội học

Quyền và Nghĩa vụ của công dân.
Kinh tế, thị trường, thu nhập, lợi nhuận…
Kiến thức cơ bản về Địa lý – Đặc điểm con người các vùng, miền
Lịch sử
Tương tác giữa Con người với Môi trường.

  1. Tư duy Sáng tạo và Biểu đạt (Kết nối thông qua Nghệ thuật)

    Tư duy Sáng tạo và Biểu đạt là các thành phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ từ nhỏ. Trẻ sẽ được tạo cơ hội để phát triển trí tưởng tượng, năng lực sáng tạo thông qua các phương tiện truyền thông. Do đó, trẻ học được cách trực tiếp bộc lộ khả năng, sở thích và hiểu biết. Ngoài ra, các em còn học được cách tôn trọng và đánh giá cao sự khác biệt văn hóa và quan điểm khi nhìn thấy người khác làm việc. Tư duy Sáng tạo và Biểu đạt là các thành phần quan trọng trong những trải nghiệm học tập đầu đời của trẻ. Những trẻ được trao cơ hội để phát triển trí tưởng tượng và óc sáng tạo thông qua các phương tiện khác nhau có khả năng thể hiện cá tính của mình qua sở thích, năng lực và kiến thức. Khi quan sát thành quả của người khác, trẻ cũng học cách tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và quan điểm. Thể hiện một cách sáng tạo có nhiều tác động đến khả năng phát triển năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo và cung cấp cho trẻ cái nhìn sáng suốt về thế giới quanh mình. Các chủ đề học trong lĩnh vực Tư duy sáng tạo và Biểu đạt.

Sản xuất và trình diễn – Âm nhạc và Cử động, Nghệ thuật kịch và biểu diễn, Nghệ thuật hình ảnh
Bối cảnh lịch sử và Văn hóa của các Tác phẩm nghệ thuật.
Phê bình tác phẩm nghệ thuật.
Giá trị thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật.

  1. Phát triển Thể lực và Sức khỏe (Học về cơ thể)

    Trẻ rất dễ hình thành thói quen từ sớm nên giáo viên cần tạo cơ hội cho các em tập luyện sức khỏe cùng với các hoat động ngoài trời, như vậy sẽ giúp trẻ có được thói quen lành mạnh và đảm bảo được sức khỏe cho trẻ. Cần kết hợp các trò chơi ngoài trời với trong nhà để vừa tạo thói quen cho các em, vừa giúp phát triền được nhận thức của bản thân.

Các chủ đề chính trong lĩnh vực Phát triển Thể lực và Sức khỏe.

Khái niệm sức khỏe
Sống khỏe mạnh
Sự an toàn và ngăn ngừa thương tích
Khái niệm vận động thô và vận động tinh – nguyên tắc và chiến lược

  1. Phát triển cảm xúc xã hội (Kỹ năng giao tiếp của trẻ)

    Trẻ được sinh sống và nuôi dưỡng an toàn với các thói quen rõ ràng và nhất quán, và những người chăm sóc thông thái cần hiểu được hành vi của trẻ chính là nỗ lực chia sẻ mong muốn của mình. Khi trẻ được dạy các kỹ năng giao tiếp tích cực, thì các hành vi mang tính thách thức có thể được ngăn chặn. Tất cả trẻ cần có những trải nghiệm từ thời thơ ấu nuôi dưỡng cảm giác an toàn, khái niệm tích cực và tôn trọng người khác. Sự phát triển cảm xúc xã hội của trẻ được tăng cường khi trẻ có những trải nghiệm thúc đẩy ý thức về bản sắc và những gì thuộc về mình trong khuôn khổ một môi trường phản hồi và chấp nhận. Các chủ đề học trong lĩnh vực Phát triển cảm xúc và tính xã hội.

Tự ý thức và quản lý bản thân
Hình thành và duy trì mối quan hệ
Quyết định và cư xử có trách nhiệm.

  1. Đối tác học tập (Gia đình, Nhà trường và Cộng đồng)

    Quan hệ đối tác giữa trẻ, gia đình, nhà trường và các cộng đồng rất quan trọng để cung cấp một phương pháp tiếp cận toàn diện và liền mạch cho việc học của trẻ. Nhà trường và gia đình nên phối hợp cùng nhau để chia sẻ những thông tin về kế hoạch học tập và mục tiêu cá nhân nhằm đảm bảo sự tương tác tích cực có lợi cho trẻ. Các chủ đề chính trong lĩnh vực Đối tác học tập

Gia đình được hỗ trợ khi cần
Gia đình trải nghiệm mối quan hệ với nhà trường
Gia đình có sự hỗ trợ và thông tin cần thiết để khuyến khích việc học hành và phát triển của trẻ
Các gia đình hỗ trợ lẫn nhau
Các gia đình thiết lập và thực hiện mục tiêu riêng với sự hỗ trợ của các đối tác khác
Gia đình phát triển kỹ năng lãnh đạo và sử dụng theo các cách khác nhau
Gia đình được hỗ trợ khi chuyển đổi